Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 2.364.986
Số người trực tuyến: 16
Trang chủ

Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

   
09:11' AM - Thứ tư, 28/07/2021

ngày 18/5, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh tổ chức hội nghị thảo luận về Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hướng dẫn liên ngành để thực hiện Quyết định của UBND tỉnh. Tham dự hội nghị có các sở, ngành; phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Ba chẽ. Đồng chí Nguyễn Văn Công - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị.

Ngày 24/3, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh đã chính thức thông qua Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; từ ngày 3/4, Nghị quyết này đã chính thức có hiệu lực. Đối tượng được áp dụng trong Nghị quyết được quy định cụ thể: Các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật có nguyện vọng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ. Các hộ gia đình, cá nhân có diện tích chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ tại lưu vực hồ Yên Lập (thành phố Hạ Long) và lưu vực nhà máy nước Diễn Vọng (thành phố Cẩm Phả).

Đồng chí Mạc Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tham gia ý kiến tại hội nghị

Các hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng, đất rừng, tự nguyện đề nghị và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh mục đích sử dụng rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật; các hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa phải có phương án sản xuất được cấp thẩm quyền phê duyệt; mỗi diện tích chỉ được hỗ trợ một lần đối với nội dung và thời gian quy định từng chính sách; trong cùng một thời gian, một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ khác theo các quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Toàn cảnh hội nghị

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Hằng năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách, ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh để cho vay theo phương án sản xuất nhưng không quá 20 triệu đồng/ha và tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ gia đình để trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại là 6%/năm/số dư nợ thực tế, mức dư nợ thực tế đối với các khoản vay tối thiểu là 100 triệu đồng và tối đa 10 tỷ đồng, thời gian hỗ trợ theo phương án sản xuất và hợp đồng tín dụng giữa chủ rừng và các ngân hàng thương mại.

Đối với chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha. Trường hợp sau 5 năm chưa đạt nghiệm thu hoàn thành (trừ các nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật) thì chủ rừng phải tự bỏ kinh phí để tiếp tục thực hiện tới khi đạt được nghiệm thu hoàn thành, nếu không thực hiện tiếp sẽ bị thu hồi kinh phí đã hỗ trợ.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo hội nghị

Nội dung của hội nghị được chia thành hai phần: Phần một, các sở, ngành; phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Ba chẽ cùng bàn về Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh; Phần hai hội nghị tham gia ý kiến vào Hướng dẫn liên ngành thực hiện Quyết định của UBND tỉnh. Trong đó các đơn vị bàn sâu về Nguyên tắc và điều kiện áp dụng; Quy định lập, thẩm định, phê duyệt “Phương án hỗ trợ thực hiện chính sách đặc thù về lâm nghiệp”; Quy định chi phí quản lý và Quy định tổ chức thực hiện giao từng đơn vị cụ thể. Từ Dự thảo Quy định thực hiện Nghị quyết, Tổ liên ngành xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết đã cùng nhau thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp để xây dựng một quy trình khép kín, chặt chẽ trong việc triển khai Nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định Hội nghị là bước đầu để các thành viên Tổ liên ngành đưa ra các ý kiến xây dựng, đóng góp vào việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, từ đó làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và đưa các chính sách hỗ trợ thực sự được đi sâu vào đời sống của người dân./.

Số lượt đọc:  83  -  Cập nhật lần cuối:  28/07/2021 04:08:16 PM
Bài mới:  
Bài đã đăng:
Thông báo
Ngày giờ
Tìm kiếm
Liên kết web
Hỗ trợ trực tuyến

Hỗ trợ trực tuyến
Nguyễn Hồng Việt

Thông báo (Duplicate)